Cha mẹ nên làm gì khi người khác mắng mỏ con mình?

Carleton Kendrick, nhà trị liệu gia đình cho rằng, khi cha mẹ phải chứng kiến người khác mắng mỏ con mình, đó “gần như là sự xúc phạm về mặt tinh thần”.

Khi cha mẹ chứng kiến việc con mình bị chỉ trích, đánh mắng, nhịp tim của họ tăng nhanh, khiến cơ thể tràn ngập hormone làm rung chuyển các đầu dây thần kinh. Tâm trí vô thức của họ gửi đi một thông điệp đơn giản: Con mình đang bị tấn công và phải hành động lập tức để bảo vệ đứa trẻ.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ phải giữ thái độ bình tĩnh và giải quyết tình huống một cách lịch sự và mang tính xây dựng. Nếu bạn thấy ai đó đang kỷ luật con mình theo cách mà bạn thấy không phù hợp, có 8 bước cần làm.

Mang-mo-1-jpeg-3884-1629831304-300x281 Cha mẹ nên làm gì khi người khác mắng mỏ con mình?

Sự hiện diện của cha mẹ sẽ giúp thay đổi hoàn toàn tính chất của cuộc trò chuyện giữa con và nhân vật kia.

Cho thấy sự hiện diện của bạn

Việc khẳng định sự hiện diện của bạn trong tình huống sẽ giúp thay đổi hoàn toàn tính chất của cuộc trò chuyện giữa con bạn và nhân vật kia. Con của bạn cảm thấy an toàn và được bảo vệ, trong khi người lớn kia buộc phải tôn trọng hơn, khi có sự hiện diện của một người “bằng vai phải lứa” là bạn. Tự khắc họ hiểu rằng họ không phải là người có thẩm quyền cuối cùng trong tình huống này.

Đánh giá tình hình trước khi phản ứng

Giận dữ không bao giờ là một cách giải quyết khôn ngoan, vì vậy điều quan trọng là bạn phải “hạ nhiệt” và giải quyết tình huống một cách hợp lý. Hãy dành một chút thời gian thu thập thông tin về toàn bộ sự việc. Đừng quên rằng con bạn có thể đã sai, ví dụ như đánh một đứa trẻ khác, đập phá tài sản của ai đó, cư xử không đúng mực…

Lắng nghe con bạn nói

Những gì diễn ra có thể khiến con bạn cảm thấy mất phương hướng hoặc sợ hãi. Điều quan trọng là phải kiên nhẫn và làm cho con cảm thấy được thấu hiểu. Thay vì đứng chống nạnh, bạn nên ngồi xuống và nhìn thẳng vào mắt con, sau đó yêu cầu con giải thích những gì đang diễn ra. Nên tạm thời giữ kín những phán đoán của bạn tại thời điểm đó và lắng nghe những lời giải thích của trẻ.

Nếu đứa trẻ cảm thấy được hiểu, chúng có thể dễ tiếp thu điều bạn nói hơn và cân nhắc thận trọng hơn về những hành vi của mình trong tương lai.

Thẳng thắn chia sẻ quan điểm với người kia

Lời nói thẳng đôi khi khó nghe, nhưng việc vòng vo, bênh vực con bằng những lời vô nghĩa sẽ có hại nhiều hơn lợi.

Vì thế, nên thẳng thắn với người kia. Cần lịch sự thông báo cho họ biết rằng bạn sẽ nghiêm túc giáo dục con và đề nghị họ không can dự vào việc này. Bạn cũng có thể đề nghị họ xem xét tình huống với các vai trò được đảo ngược, ví dụ như nếu bạn là người mắng con họ, thì sự việc sẽ ra sao.

Trong khi trao đổi, hãy giữ thái độ quyết đoán, bình tĩnh, trung thực và cởi mở.

Hài hước là vũ khí

Sự hài hước có khả năng lớn trong việc giải tỏa các tình huống khó khăn và giảm mức độ căng thẳng. Bạn có thể, tùy tình hình, nói một vài câu bông đùa nho nhỏ để những người xung quanh thấy dễ chịu, thoải mái hơn. Điều đó cũng giúp giảm tính khẩn cấp và nghiêm trọng của sự việc và đem đến cho mọi người cái nhìn khách quan hơn.

Tất nhiên, bạn phải cẩn thận với những câu bông đùa mà bạn nói ra. Một số kiểu hài hước có thể mang theo thái độ châm biếm, coi thường và chắc chắn có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Thiết lập những ranh giới

Nếu người lớn được đề cập là một nhân vật có thẩm quyền trong cuộc sống của con bạn (giáo viên, ông bà), điều quan trọng là phải đặt ra ranh giới để ngăn ngừa các tình huống tương tự. Tất nhiên, bạn không thể đòi hỏi sự “vượt qua quy tắc”. Bạn chỉ nên thương lượng với người đó bằng cách sử dụng các kỹ thuật kỷ luật tương tự như bạn đang sử dụng ở nhà. Bằng cách đó, bạn đang tạo ra một cái nhìn nhất quán trong mắt trẻ về điều gì là đúng và điều sai, cũng như làm những việc sai sẽ bị trừng phạt như thế nào.

Giải thích cho trẻ

Khi những căng thẳng lắng xuống, điều quan trọng là bạn phải thảo luận và kiên nhẫn giải thích mọi thứ cho con. Bước này rất quan trọng, bởi cách bạn nhận thức sai lầm có thể ảnh hưởng lâu dài đến cách con bạn giải quyết vấn đề và sửa sai (nếu có).

Hãy an ủi con, nhưng đừng tỏ thái độ thương hại, bởi vì cách làm đó có thể gửi một thông điệp có hại rằng trẻ hoàn toàn có quyền làm điều chúng thích. Thay vào đó, hãy giữ vững lập trường của bạn và bình tĩnh giải thích lý do tại sao những hành động đó của trẻ là không thích hợp, ví dụ: “Con đã lấy đồ chơi của em, vì thế cô ấy mới trách con. Con nghĩ sao nếu ai đó lấy đồ chơi của con?”.

Khi nào thì người khác có thể kỷ luật con bạn?

Là cha mẹ, bạn có nhiệm vụ dạy con tôn trọng quyền hạn và học cách cư xử theo các chuẩn mực xã hội được chấp nhận. Trẻ phải nhận thức được việc mình là một phần của cộng đồng (ví dụ như lớp học, đội thể thao, sân chơi tập thể) và nhận ra rằng có những người phụ trách các nhóm này. Vì vậy, ví dụ khi con bạn cư xử sai trong lớp, giáo viên có quyền chỉ ra điều đó và đưa ra hình thức khiển trách, phạt… Bạn chỉ nên can thiệp khi các hình thức xử phạt đó được áp đặt dựa trên sự tức giận và mang đến những hậu quả xấu cho tinh thần, thể chất đứa trẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *