Các nghiên cứu chỉ ra những đứa trẻ có óc sáng tạo thường có 6 đặc điểm về tính cách, thói quen nổi trội hơn bạn bè cùng tuổi.
|
1. Thích đọc sách: Những đứa trẻ sáng tạo thường có sở thích đọc sách khi còn nhỏ. Các em có xu hướng chọn những cuốn sách cao hơn trình độ và thể hiện sự quan tâm các chủ đề cụ thể như tự nhiên, vũ trụ… Khi đọc sách thường xuyên, các em sẽ có cơ hội suy nghĩ, tư duy và “lạc” vào thế giới do bản thân tưởng tượng ra. Nếu phát hiện trẻ thích đọc sách, cha mẹ nên hỗ trợ bằng cách hỏi về những đề tài con thích, sau đó cùng con thảo luận, tìm kiếm những cuốn sách cùng chủ đề. Ảnh: The Jakarta Post. |
|
2. Thích ở một mình: Theo Power of Positivity, những đứa trẻ sáng tạo, có năng khiếu đặc biệt có xu hướng chơi một mình nhiều hơn chơi với bạn bè. Các em sẽ dành thời gian để tưởng tượng, viết, vẽ, nhập vai, thậm chí tạo ra một nhân vật không có thật. Nhiều phụ huynh lo lắng khi con cái chơi cùng một người bạn vô hình, nhưng các nghiên cứu khẳng định điều này cho thấy trí tưởng tượng của trẻ đang hoạt động mạnh hơn bình thường. Thậm chí, nhiều đứa trẻ có óc sáng tạo tốt sẽ tạo ra một thế giới mới chỉ dựa trên câu chuyện được đọc hoặc xem trên tivi. Vì thế, các em tạo ra những người bạn vô hình để cùng mình thực hiện, hoàn thiện câu chuyện này. Ảnh: Nashville Parent. |
|
3. Luôn tò mò: Hầu hết trẻ em tò mò về thế giới xung quanh, nhưng những đứa trẻ sáng tạo sẽ đặt câu hỏi nhiều hơn bình thường. Các em luôn đặt câu hỏi “tại sao” và “như thế nào” về mọi thứ, đôi khi người lớn bối rối vì không thể giải đáp thắc mắc cho trẻ. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ đọc sách liên quan chủ đề các em tò mò, hoặc tìm hiểu những trang web về tri thức dành cho trẻ em. Ảnh: DFWChild. |
|
4. Không hào hứng với những kiến thức được dạy ở trường: Theo National Association for Gifted Children, trẻ có năng khiếu đã biết trước 60% các bài học được dạy ở trường mẫu giáo ngay trong tuần đầu tiên đến lớp. Khi đó, các em muốn được dạy những điều mới mẻ hơn thay vì nghe đi nghe lại những kiến thức đã biết. Vì thế, trẻ cảm thấy không hào hứng hoặc mất tập trung khi giáo viên giảng bài. Nhà giáo dục David Levine nhận định trẻ không hào hứng học vì chúng cảm thấy kiến thức ở lớp tách rời với thực tế. Để thúc đẩy khả năng sáng tạo và giúp trẻ đi đúng hướng, cha mẹ hãy phối hợp với giáo viên, giúp trẻ kết nối kiến thức sách vở với đời thực. Ảnh: Verywell Family. |
|
5. Khả năng ghi nhớ tốt: Trẻ giỏi sáng tạo có khả năng tiếp thu và ghi nhớ thông tin nhanh chóng. Thậm chí, nhiều em sở hữu “trí nhớ hình ảnh”, là khả năng ghi nhớ mọi thông tin trong thời gian ngắn. Thông thường, khả năng ghi nhớ tốt của các em là thành quả từ việc ham học hỏi. Các em có thể dành hàng giờ liền để tìm hiểu và ghi nhớ những đề tài yêu thích. Ảnh: Fun Language Learning. |
|
6. “Già” trước tuổi: Những đứa trẻ sáng tạo, IQ cao có suy nghĩ trưởng thành hơn tuổi. Các em cũng khó hòa nhập với bạn bè vì có sở thích và tính cách riêng biệt. Nhiều em có xu hướng kết bạn với những người lớn tuổi hơn để được trò chuyện, thể hiện khía cạnh sâu sắc của bản thân. Ngoài ra, trẻ sáng tạo có vốn từ vựng và khả năng diễn đạt tốt hơn bạn bè cùng tuổi. Ảnh: Howcast.
Nguồn internet |