Ai mới là kẻ ngu?
Một ông thầy giáo mới dạy nhận ra rằng trong lớp có một cậu bé luôn luôn bị chửi là ngu. Trong giờ ra chơi ông hỏi nhóm bạn lý do thì nhận được câu trả lời:“Thì nó là thằng ngu thật mà thầy. Nếu mà đưa cho nó đồng xu to 5 rúp và đồng xu nhỏ 10 rúp, thì nó sẽ chọn đồng 5 rúp, vì nó nghĩ đồng 5 rúp có kích thước to hơn thì là tốt hơn. Đây, thầy nhìn nhé”.
Một bạn trong nhóm giơ 2 đồng xu và cho cậu kia chọn. Và cậu vẫn chọn đồng 5 rúp như trước. Thầy giáo ngạc nhiên hỏi:
– Sao em lại chọn 5 rúp mà không chọn 10 rúp?
– Thầy nhìn này, đồng 5 rúp to hơn mà.
Tan trường, thầy đến chỗ cậu bé hỏi lại:
– Chẳng nhẽ em không thể hiểu được đồng 5 rúp chỉ to hơn về mặt kích thước, nhưng đồng 10 rúp thì em có thể mua được nhiều thứ hơn?
– Nếu em lấy 10 rúp thì lần sau bọn nó sẽ không cho em nữa…Cậu bé trả lời.
Ảnh minh họa.
Bài học: Ngu mà tỏ ra nguy hiểm thì không có gì sợ. Đáng sợ là nguy hiểm mà tỏ ra ngu. Kẻ đối diện bạn không ngu đâu…!
Chú chim rơi vào đống phân
Có 1 chú chim bay về phía Nam tránh rét. Bởi vì trời quá rét nên nó đã bị rét cứng và rơi xuống 1 cánh đồng hoang. Khi nằm trên cánh đồng hoang chú chim bị 1 con bò đi qua và cho một bãi phân lên người.
Chú chim bị đông cứng nằm trong đống phân và bắt đầu cảm thấy ấm dần lên. Phân bò quả thực đã khiến nó ấm áp trở lại, rồi nó nằm trong đống phân ấm áp cảm thấy vui mừng và bắt đầu cất tiếng hót líu lo.
Bỗng nhiên, một con mèo đi ngang qua và nghe thấy tiếng chim hót bèn chạy đến thăm dò. Đi theo tiếng hót, nó phát hiện ra chú chim đang nằm trong đống phân rồi nhanh chóng lôi chú chim ra và làm thịt.
Bài học: Cuộc sống vô thường, trong rủi có may. Khi bạn rơi vào đống phân ấy chưa chắc đã là bất hạnh. Nhưng một khi đã rơi vào đống phân ấy thì tốt nhất là nên ngậm miệng lại.
Người tiều phu và học giả
Tiều phu cùng học giả đi chung một chiếc thuyền ở giữa sông. Học giả tự nhận mình hiểu biết sâu rộng nên đề nghị chơi trò đoán chữ cho đỡ nhàm chán, đồng thời giao kèo, nếu mình thua sẽ mất cho tiều phu mười đồng.
Ngược lại, tiều phu thua sẽ chỉ mất năm đồng thôi. Học giả coi như mình nhường tiều phu để thể hiện trí tuệ hơn người. Đầu tiên, tiều phu ra câu đố:“Vật gì ở dưới sông nặng một ngàn cân, nhưng khi lên bờ chỉ còn có mười cân?”. Học giả vắt óc suy nghĩ vẫn tìm không ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu mười đồng. Sau đó, ông hỏi tiều phu câu trả lời là gì.
“Tôi cũng không biết!”, tiều phu đưa lại cho học giả năm đồng và nói thêm:“Thật ngại quá, tôi kiếm được năm đồng rồi”. Học giả vô cùng sửng sốt.
Bài học: Nhiều người cứ hay ra vẻ mình thông minh hơn những người ít học hay có học vị thấp hơn họ. Tuy nhiên, họ không biết một điều rằng “thông minh sẽ hại thông minh”, người quá thông minh và tinh tướng nhiều khi sẽ tự hại lấy mình vì quá tự cao.
Lẽ vậy ở đời, đừng sợ kẻ thông minh, hãy sợ kẻ ngốc mà tưởng mình thông minh. Và hãy làm một người khiêm tốn đáng được tôn trọng.
Giá trị của tờ đô la
Trong một bài giảng, một diễn giả nổi tiếng đang cầm một tờ 20 USD. Sau đó, ông hỏi những người đang ngồi trong khán phòng:“Có ai muốn lấy đồng đô la này không?“. Nhiều cánh tay giơ lên và vị diễn giả nói tiếp:
“Tờ đô la này sẽ được đưa cho một người trong các bạn, nhưng hãy để tôi làm điều này trước đã”.
Ông ta liền vò tờ tiền thành một quả cầu nhỏ. Tuy nhiên, một số người vẫn muốn nó. Sau đó, ông ấy lại ném tờ đô la lên sàn và giẫm chân lên. Cuối cùng, tờ tiền trông rất bẩn và bị nhàu nát. Sau đó nam diễn giả hỏi tiếp:“Còn ai muốn lấy nó không?”.Một lần nữa, một số cánh tay giơ lên. Lúc này ông mới giải thích:
“Các bạn à, có một bài học rất ý nghĩa ở đây; dù tôi có đối xử tới tờ tiền này thế nào, bạn vẫn muốn nó vì nó vẫn không mất đi giá trị.
Trên hành trình cuộc sống, chúng ta sẽ vấp ngã rất nhiều lần; chúng ta sẽ cảm thấy mình vô dụng, nhưng cho dù bất kỳ điều gì xảy ra, hay có thể xảy ra, bạn sẽ không bao giờ mất đi giá trị trong mắt của Thượng đế – cho dù bạn bẩn hay sạch sẽ, quần áo gọn gàng hay nhàu nhĩ, bạn vẫn là vô giá.
Giá trị của bạn không phụ thuộc vào những gì bạn làm hay những gì bạn biết. Thay vào đó, nó xuất phát từ sự độc nhất vô nhị của chính bạn. Đừng bao giờ quên điều này”.
Chuyện hai con sóng
Nhìn thấy một con sóng rất cao lớn ở bên cạnh mình, con sóng nhỏ tỏ ra bực tức và ghen tỵ:
– Bực ghê. Sóng kia lớn quá, sao ta bé tí. Chúng mạnh mẽ xiết bao, còn ta sao lại yếu đuối thế này!
Con sóng lớn cười đáp :
– Đó là vì bạn không nhận ra gốc gác của mình nên mới buồn bực thế.
– Tôi không là sóng thế là gì ?
– Sóng chỉ là hình thức tạm thời trong sinh mệnh của bạn. Kỳ thực bạn là nước. Một khi nhận ra bản nguyên của chính mình là nước, bạn sẽ không còn ấm ức với cái vỏ sóng này và không còn buồn bực gì nữa.
Con sóng nhỏ hiểu ra, cười vui vẻ:
– À, bây giờ thì tôi hiểu. Không cần thiết phải so sánh hay phân biệt giữa bạn và tôi…
Nguồn Internet