“Mẹ sẽ báo cảnh sát đến bắt con”, “Tự đi mà nói với bố” là những câu không nên nói khi trẻ mắc lỗi, có thể phản tác dụng.
Khi giận dữ vì những việc trẻ làm, bố mẹ đôi khi nói những điều có thể làm tổn thương, thể hiện sự coi thường trẻ.
“Tại sao con nghịch ngợm thế?”
Không chỉ đơn thuần là nói về một hành động, câu này mang hàm ý chỉ trích tính cách của trẻ. Đứa trẻ sẽ hiểu bố mẹ không thích tính cách của mình chứ không chỉ phê phán hành động nghịch ngợm.
Thay vào đó, hãy nói: “Bình thường con ngoan lắm mà, mẹ rất ngạc nhiên khi con làm như vậy”.
Nếu bắt đầu bằng cách nhấn mạnh bố mẹ cảm thấy tích cực và hài lòng về những gì trẻ làm trong thời gian qua, trẻ sẽ lắng nghe hơn, cảm thấy những việc tốt mình làm vẫn được bố mẹ chú ý và ghi nhận.
“Mẹ không yêu con nữa”
Nếu nghĩ tình yêu bố mẹ dành cho mình có điều kiện, trẻ sẽ bối rối và bất ổn, cho rằng sự quan tâm của bố mẹ dành cho mình có thể mất đi bất cứ lúc nào.
Bố mẹ có thể nói: “Mẹ rất yêu con nhưng cảm thấy khó chịu về việc con đã làm”. Trẻ vẫn sẽ biết phụ huynh đang thất vọng hoặc khó chịu với mình nhưng tình yêu thương dành cho mình không bị mất đi. Một đứa trẻ luôn cảm thấy được yêu thương sẽ phản ứng tích cực hơn khi bị kỷ luật.
|
“Nếu con làm việc đó một lần nữa, mẹ sẽ báo cảnh sát đến bắt”
Đây là câu nói dọa trẻ phổ biến của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, câu này không dựa trên sự thật và hoàn toàn vô lý vì cảnh sát không bắt giữ trẻ em chỉ vì chúng không chịu ăn tối. Việc nói với trẻ thông tin sai sự thật có thể dẫn đến trẻ có cái nhìn sai lệch về một người, một ngành nghề có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, câu nói trên chỉ có thể dọa, bố mẹ không thể thực hiện.
Câu nói gợi ý để thay thế: “Nếu con làm việc đó một lần nữa, mẹ không cho con chơi điện thoại tuần này”.
Việc dọa trẻ bằng cách đưa ra hình phạt, sau đó thực sự áp dụng sẽ khiến trẻ hiểu rằng hành vi của mình sẽ sớm có hậu quả trực tiếp.
“Sao con giống chị con thế nhỉ?”
Việc so sánh anh chị em ruột với nhau thường gây chia rẽ, gây cảm giác thua kém và ganh đua cho những đứa trẻ.
Thay vào đó, hãy nói: “Chúng ta sẽ vui vẻ hơn nếu con cư xử tốt”.
Bố mẹ nên đưa ra một lý do tích cực, nhắc nhở trẻ về hành động của mình đã ảnh hưởng xấu đến mọi người trong gia đình để thay đổi hành vi. Khi đó, trẻ sẽ dễ tiếp thu và thay đổi hành vi.
“Tự đi mà nói với bố con”
Đối với trẻ em, hình phạt cũng như phần thưởng cần được làm ngay. Nếu đợi đến cuối ngày khi bố đi làm về rồi mới phạt hoặc nói chuyện, trẻ có thể quên sự cố đã xảy ra và không thật sự hiểu được việc tại sao mình bị phạt. Ngoài ra, việc để cho người còn lại thực hiện hình phạt sẽ làm giảm uy tín của bố mẹ trong mắt trẻ.
Phụ huynh có thể nói: “Mẹ sẽ phạt con ngay bây giờ”.
Để hình phạt có hiệu lực, bố mẹ cần áp dụng với trẻ hợp lý, công bằng và ngay lập tức.
Nguồn internet