(GDVN) – Giáo viên chủ nhiệm giỏi phải là giáo viên đem lại hạnh phúc cho học trò, học trò thấy hạnh phúc khi đi học; sau khi trưởng thành, học trò vẫn lưu luyến.
Giờ chào cờ đầu tuần, thầy hiệu trưởng phấn khởi thông báo trước tập thể toàn trường:
“Cô giáo H. và cô giáo K. trường ta đạt đồng giải nhất cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, được cử đi thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, đề nghị cả trường cho một tràng pháo tay, nhiệt liệt hoan hô hai cô”.
Sau tràng pháo tay là tiếng xầm xì không ngớt của học trò; một nhóm học trò “được” thầy hiệu trưởng “mời” vào phòng tư vấn “uống trà” sau khi tiết chào cờ kết thúc.
– Tại sao trong tiết chào cờ, thầy đã nhắc, vậy mà cứ nói chuyện, mất trật tự? Chuyện gì? Nói lại thầy nghe coi?
Mấy đứa cứ ậm ừ, không nói; hiệu trưởng gằn giọng “Nói hay phải gọi phụ huynh lên mới nói”.
– Dạ, các bạn bảo hai cô H., K. là giáo viên dữ chứ giỏi gì, thi giáo viên dữ đạt cấp quốc tế chứ đừng nói cấp tỉnh ạ.
Đi học, chúng ta ai cũng từng nghe những biệt danh mà “lũ thứ ba” đặt cho giáo viên chủ nhiệm “bà la sát”, “sát thủ máu lạnh”, “ông ba bị”, “góa phụ đen”, “thần chết”, “nữ hoàng băng giá”, “ác quỷ” v.v…
Học trò ngày nay còn lập nhóm “Ghét giáo viên chủ nhiệm” trên Facebook; nếu “lạc” vào nhóm này, bạn sẽ được những chia sẻ “lạnh gáy” của học trò.
Được đứa học trò cho đọc những “tâm sự” trong nhóm “Những người ghét cô…”; lúc đầu người viết không muốn trích dẫn; nhưng trích dẫn để cho bạn đọc rút kinh nghiệm:
Bạn M. chia sẻ “Cô chủ nhiệm vào lớp bao giờ cũng có gương mặt lạnh tanh, nhiều đứa bảo nhìn cô là không dám mở miệng; chưa bao giờ thấy cô cười; giờ sinh hoạt lớp hay giờ học của “bả” đố đứa nào dám mở cửa khẩu (miệng), mong thời gian chạy nhanh hơn…, năm sau mà bị bả chủ nhiệm mình xin chuyển trường”.
Bạn Hà A. viết “Mình thấy thương cho thầy D. quá, sống với cô chủ nhiệm lớp mình chắc không có một chút hạnh phúc, ai chưa biết địa ngục, hãy xin học lớp mình một ngày…”.
Mèo Mun thì cảm nhận “Cô không dùng thước đánh (thà đánh chỉ đau một chút rồi thôi), những lời cô nói về mình đã mấy tháng, nghĩ đến còn nổi gai …”.
Bên cạnh đó, cũng có những giáo viên được học trò gọi với những tên trìu mến “thầy bố”, “cô mẹ”; chúng cũng lập nhóm nhóm “Fan của cô…”, “Fan của thầy…”. ..”.
Đọc những lời “trên mây” này, thấy muôn phần hạnh phúc; dù những giáo viên này chưa một lần đạt giáo viên chủ nhiệm giỏi … cấp trường.
Cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi không phải hoàn toàn tiêu cực, nó lắng động biết bao hình ảnh giáo viên vì học trò.
Biết bao giáo viên coi học trò như con, như em, như bạn bè, để lại ký ức đẹp cho nhiều thế hệ; là tiếng hòa ca reo vui khi biết mình được giáo viên nào đó làm chủ nhiệm.
Thế nhưng cũng có những giáo viên “chủ nhiệm giỏi” làm nên “thương hiệu” của mình vì “biệt tài” mà không nhiều giáo viên làm được.
Học trò có giáo viên “biệt tài” làm chủ nhiệm, không hề cảm nhận một chút hạnh phúc, bình an; dù lớp luôn đứng đầu thi đua toàn trường!
Giáo viên chủ nhiệm giỏi phải là giáo viên đem lại hạnh phúc cho học trò, học trò thấy hạnh phúc khi đi học; sau khi trưởng thành, học trò vẫn lưu luyến.
Giáo viên chủ nhiệm giỏi ngày nay còn phải rành công nghệ, biết chia sẻ cùng học sinh những đam mê mới; hướng dẫn học sinh học cái hay, cái tốt trên mạng; biết tự chủ trước cám dỗ, biết tự bảo vệ mình.
Đến với học trò bằng trái tim thương yêu, giáo dục học trò bằng sự chia sẻ mới thật sự là giáo viên chủ nhiệm giỏi; giáo viên chủ nhiệm giỏi không cần vinh danh bằng giấy trắng, mộc đỏ; cao quý nhất là vinh danh trong ký ức yêu thương của học trò.