Tầm quan trọng của kỹ năng xã hội
Khi không có những kỹ năng xã hội, trẻ sẽ có xu hướng bối rối – không biết cách giải quyết, dung hòa các mỗi quan hệ, thường xuyên bị bắt nạt và dễ vướng vào các tệ nạn xã hội. Các con phải dựa vào sự giúp đỡ từ người khác và không thể xây dựng tính tự lập.
Nhiều phụ huynh cảm thấy áp lực khi phải cắt giảm thời gian chơi, phát triển tình cảm và giao tiếp xã hội của con để con có thêm thời gian trau dồi kiến thức trong sách vở. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, kỹ năng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con đạt được nhiều thành công hơn, nắm bắt được nhiều cơ hội tốt trong tương lai, đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích về mặt tinh thần.
Dưới đây là 5 kỹ năng xã hội mà trẻ cần có và một số gợi ý để gia đình – nhà trường có thể hỗ trợ giúp con nâng cao các kỹ năng này ngay từ khi còn nhỏ.
1. Xây dựng mối quan hệ tốt với bạn bè
Thông qua cách chơi với bạn bè, trẻ học được cách thương lượng, hòa giải những bất đồng, cùng chia sẻ và thử nghiệm. Bên cạnh đó, khi con sẵn sàng chia sẻ một món đồ chơi, hay món ăn con yêu thích cho bạn bè, con sẽ dễ dàng kết bạn, cũng như duy trì tình bạn đó hơn.
Các bậc phụ huynh có thể giúp con xây dựng kỹ năng này bằng cách dành thời gian để đưa con đi chơi, tạo không gian để con có cơ hội gặp gỡ bạn bè. Đồng thời, việc thường xuyên rèn luyện bài tập nhóm, tham gia các câu lạc bộ tại trường cũng góp phần quan trọng để con xây dựng mối quan hệ bạn bè tốt đẹp.
2. Nhận biết và giải quyết vấn đề
Trẻ đối mặt vưới nhiều vấn đề mỗi ngày. Các vấn đề có thể là những khó khăn trong học tập, các vấn đề về bạn bè cùng lứa, các vấn đề về thể thao, khó hoàn thành một nhiệm vụ, hay quyết định ăn mặc cho phù hợp như thế nào. Nếu trẻ nhận ra vấn đề và có cách giải quyết thì trẻ sẽ tự tin hơn vào khả năng của mình để tự ra những quyết định tốt.
Vì vậy, mỗi khi nhận ra những dấu hiệu khác thường của con, cha mẹ và thầy cô hãy hướng dẫn để con nhận ra vấn đề của mình và hỏi con các cách con nghĩ ra để giải quyết vấn đề. Sau đó, hãy cùng con thảo luận về những ưu và nhược điểm của mỗi cách, để trẻ nhận biết những kết quả tích cực cũng như tiêu cực kèm theo mỗi hành vi của mình. Khi trẻ biết nhiều lựa chọn và những hậu quả có thể kèm theo mỗi lựa chọn đó, thì trẻ sẽ quyết định lựa chọn nào là tốt nhất.
Một đứa trẻ học được cách giải quyết vấn đề đồng nghĩa với việc đứa trẻ ấy học được cách thất bại – rút kinh nghiệm và tiếp tục thử – tiếp tục học hỏi và tiến về phía trước.
3. Gọi tên và quản lý cảm xúc
Trẻ em thường rất nhạy cảm với môi trường chúng tiếp xúc mỗi ngày, nên chúng ta nên có giải pháp giúp trẻ tự quản lý cảm xúc của chúng. Theo nghiên cứu từ các chuyên gia tâm lý học hàng đầu trên thế giới, người có chỉ số Trí tuệ cảm xúc – EQ càng cao họ càng dễ thành công trong cuộc sống. Yếu tố cảm xúc đóng vai trò khá quan trọng trong việc phát triển của trẻ, tạo tiền đề để trẻ nhận thức về bản thân mình.
Những đứa trẻ nhận thức được cảm xúc xung quanh cũng có khả năng hòa hợp tốt hơn với những người khác. Phụ huynh có thể giúp con rèn luyện kỹ năng này ngay tại nhà bằng cách gợi sự chú ý của trẻ đến tín hiệu cảm xúc (qua nét mặt, cử chỉ, giọng nói,…) và gọi đúng tên cảm xúc đó. Đồng thời, tại trường học, các giáo viên sẽ hướng dẫn các con về Trí tuệ cảm xúc – EQ thông qua các cuốn sách, video trực tuyến, các câu chuyện thực tế,… để trẻ có thể nhận biết đầy đủ và học cách dung hòa cảm xúc của chính mình.
4. Xây dựng giá trị hữu ích của bản thân
Trở nên hữu ích với người khác đòi hỏi trẻ phải nhìn xa hơn và nhận ra nhu cầu của người khác. Cha mẹ nên chú ý và khen ngợi con khi nhận thấy những hành vi hữu ích của con và khuyến khích con tiếp tục. Bên cạnh đó, việc cung cấp cho con những cơ hội đơn giản để giúp đỡ gia đình như: lau dọn nhà cửa, chơi cùng em bé, …
Khi đến trường, học sinh nên được thầy cô khuyến khích tham gia các hoạt động chung để khám phá các khả năng của chính mình, từ đó dần dần xây dựng những giá trị tốt đẹp.
Ngoài việc xây dựng giá trị hữu ích của chính mình, trẻ cũng phải học cách trân trọng giá trị của những người khác; biết bày tỏ sự biết ơn khi được giúp đỡ.
5. Tỏ thái độ không đồng tình một cách lịch sự
Không đồng tình nhưng không tranh cãi là một kĩ năng mà nhiều người lớn và cả thiếu niên, nhi đồng cảm thấy khó thực hiện. Như các kĩ năng xã hội khác, kĩ năng này cần được luyện tập. Gia đình – Nhà trường có thể tạo cơ hội cho học sinh được rèn luyện việc đưa ra ý kiến và tranh luận về các vấn đề.
Với mỗi một ý kiến khác nhau được đưa ra, bố mẹ cũng như các thầy cô cần giải thích cho các con hiểu được vì sao anh/chị/bạn/bố mẹ/thầy cô lại có cảm nhận/ ý kiến như vậy và dạy các con sử dụng giọng nói ôn hòa để phản bác ý kiến.
Kỹ năng xã hội không phải là thứ con tự nhiên sinh ra đã có hay không có. Đó là những kỹ năng cần được rèn luyện trong suốt quá trình con lớn lên. Việc giáo dục các kỹ năng này cho con đòi hỏi sự kết hợp nhịp nhàng bền chặt giữa Gia đình và Nhà trường để tạo điều kiện cũng như cơ hội cho con có thể tự phát triển bản thân.
Nguồn internet